Trong khi đó, phân khúc căn hộ trung cấp tăng 26-30% và phân khúc căn hộ cao cấp giảm 70-74% nhưng vẫn ở mức cao. Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường BĐS thiếu bền vững.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, vấn đề hiện nay là phải khơi thông cho cả thị trường. Như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án BĐS theo nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là để xử lý các dự án bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ 2 xem xét, cho phép các doanh nghiệp BĐS chuyển nhượng dự án được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội khóa 14 “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS khi dự án đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ), bởi lẽ trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP, cho biết trong năm 2023 dự kiến TP sẽ có 40 dự án được thẩm định giá đất, sẽ thu về khoảng 20.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn sau khi xác định được tiền sử dụng đất, hàng loạt thủ tục sau đó được triển khai, như chuyển nhượng, đầu tư, phí, thuế… sẽ tạo ra dòng chảy của dòng tiền từ những dự án này.
Bên cạnh đó, trong năm 2023 sở dự kiến giải quyết cho hơn 50.000 hồ sơ nhà đất được giao dịch đảm bảo với tổng giá trị 660.000 tỷ đồng. “Nhà cửa, đất đai được thế chấp, giao dịch vay mượn từ đó sẽ làm gia tăng giá trị sử dụng, dòng tiền được đưa vào thị trường để lưu thông sẽ tạo nên khí thế mới cho BĐS” - ông Thắng chia sẻ.