Thị trường bất động sản bị kiểm soát, khi giá cao và nguồn cung hạn chế sẽ quay trở lại câu chuyện chênh lệch cung cầu

Kiểm soát chứ không “bóp ngẹt”

Hiện dòng vốn chảy vào các ngành khác so với bất động sản đang bị thiên lệch. Bởi vậy, bất động sản luôn trong tầm ngắm phải kiểm soát vốn. Vấn đề cần đề cập đến là tạo ra hệ thống phân bổ nguồn lực hợp lý để giảm đầu cơ đất đai. Thực tế, lĩnh vực bất động sản và ngân hàng từ trước đến nay, thời gian khuyến khích rất ít, mà luôn luôn bị siết, bằng cách như trích lập dự phòng rủi ro tương đối thấp, lên đến 100% đã là cao. Riêng với bất động sản, hiếm có thời kỳ trích lập dự phòng 50%, phổ biến là 150 - 200%. Do đó, các ngân hàng, doanh nghiệp khi đầu tư, vay vốn, huy động... cảm thấy bất lợi sẽ tự xem lại, còn vẫn thấy có lợi thì cứ tiếp tục làm.

Trái phiếu doanh nghiệp cần được mở đường

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết: “việc hạn chế một phần nào đó tín dụng bất động sản mà lâu nay Ngân hàng Trung ương vẫn dùng như trích lập dự phòng rủi ro là đã đủ. Quan trọng hơn cả và điểm chốt lớn nhất của thị trường bất động sản lúc này là trái phiếu doanh nghiệp, vì trái phiếu linh hoạt hơn tín dụng ngân hàng”

Cần phải phát triển thị trường trái phiếu, đây là bệ đỡ chủ chốt nhất cho nhu cầu vốn của doanh nghiệp

Bổ sung thêm ý kiến, Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI khẳng định: “phát triển bất động sản là tất yếu, là nền tảng của mọi ngành kinh tế tại Việt Nam, từ nhà máy, xí nghiệp, hạ tầng, nhà ở... Chưa kể du lịch cũng là ngành vô cùng tiềm năng, với kế hoạch sau khi hết COVID-19, sẽ đón hàng trăm triệu khách du lịch, chắc chắn sắp tới bắt buộc phải đầu tư bất động sản, trong khi đó Nhà nước chỉ có thể đầu tư các hạ tầng giao thông liên quan. Với tình hình hiện nay thì các ngân hàng cũng không thể là nguồn cung cấp chính cho nền kinh tế, cho nguồn vốn trung dài hạn. Chủ yếu vẫn đến từ các nhà đầu tư và người dân phải móc hầu bao ra, trong đó có cả đầu cơ, phải chấp nhận một tỷ lệ đầu cơ nhất định. Và về lâu dài, vẫn phải thông thoáng rõ ràng về quan điểm phát triển để định hình thị trường”